Homestay của bà Nguyễn Ngọc Giác (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) được xây dựng với vật liệu đều làm từ gỗ dừa. Gian nhà chính cũng là nơi ở và tiếp khách của gia chủ dựng theo kiểu nhà ba gian truyền thống Nam Bộ.
Căn nhà chính có diện tích 300 m2 với các cột, kèo, cửa, nội thất… đều từ gỗ dừa. Toàn bộ ngôi nhà được chống đỡ với 36 cột vững chãi. Bà Giác cho biết homestay sử dụng khoảng 4.000 cây dừa, riêng căn nhà là 1.700 cây; đều có tuổi thọ trên 50 năm.
Bà Giác ngồi trong gian giữa ngôi nhà với bộ bàn ghế, tủ thờ, các câu đối… đây là nơi gia chủ tiếp khách. Để hoàn thành homestay, năm 2017, gia đình bà thuê hơn 30 nghệ nhân và thợ lành nghề về xây dựng ngôi nhà và phải mất hai năm mới hoàn thiện.
“Tuổi thơ của tôi gắn liền với cây dừa nên từ lâu đã ấp ủ có một căn nhà như vậy. Thấy khu dất rộng rãi, vườn tược xanh mát lại gần bờ sông nên con cháu bảo tận dụng làm homestay luôn”, bà nói.
Ngoài cột, kèo, tất cả nội thất trong nhà đều được chế tác từ gỗ dừa. Chủ nhà cho biết, gỗ dừa dễ bị mục ruỗng nên trước khi xây dựng phải ngâm nước một năm rồi đem lên bào vỏ, ngâm thuốc xử lý mối mọt.
Bên trong phòng ngủ mang màu sắc ấm cúng. Giá thuê qua đêm khoảng 600.000 đồng/phòng 2 giường.
Trong phòng khách treo những bức tranh chế tác từ gỗ dừa với cảnh quan về sông nước miền Tây.
Đèn treo trong nhà được làm từ những hoa dừa để khô.
Những bức tượng làm từ gốc dừa được đặt trước hiên nhà. Nhiều bonsai từ cây dừa được trang trí quanh sân nhà.
Homestay có 6 phòng với sức chứa tối đa khoảng 30 người. Những dãy nhà liền kề nhau lợp bằng lá dừa, cửa hướng ra khu vườn trái cây.
Khách đến homestay được tham gia nhiều hoạt động như hái trái cây, tát mương bắt cá, làm kẹo dừa, cốm gạo, thưởng thức món ăn dân dã miền Tây…
Homestay có kinh phí xây dựng 6 tỷ, với diện tích 4.000 m2, nằm trên cù lao An Bình, bao quanh bởi vườn cây trái xanh mát. Nếu khách không ở lại qua đêm có thể tham quan homestay với giá vé 20.000 đồng/người.
Theo: Vnexpress